Hầu hết các nguyên thủ quốc gia đều sở hữu cho mình những mẫu xe sang chống đạn, thậm trí là vũ khi hóa học và rốc-két. Hồng Kỳ N701 là một trong số những mẫu xe như vậy.
“Để thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao, cần phải nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng như khả năng đổi mới và chống lại rủi ro”, ông Tập Cận Bình phát biểu khi đến thăm trụ sở nghiên cứu phát triển (R&D) của Tập đoàn Ô tô Đệ nhất (First Automobile Works – FAW) ở Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc ngày 23/7/2020, trò chuyện với những nhân viên FAW vừa tốt nghiệp đại học.
Dòng xe limousine nội địa đầu tiên
Dưới sự chỉ đạo, khuyến khích của ông Tập, ba năm qua, FAW đã có những bước tiến đáng kể, thậm chí đột phá trong các công nghệ cốt lõi, thúc đẩy phát triển các thương hiệu tự riêng và trở thành một nhà sản xuất ô tô đẳng cấp thế giới.
Bước vào trụ sở chính của FAW có trụ sở tại thành phố Trường Xuân, người ta có thể thấy những chiếc xe mang thương hiệu Hồng Kỳ (Hongqi) được trưng bày trong phòng triển lãm ở cánh trái của tòa nhà.
Hồng Kỳ (có nghĩa là “cờ đỏ” trong tiếng Trung) được dùng làm phương tiện di chuyển của các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, được sử dụng làm xe diễu hành trong các cuộc diễu hành, diễu binh nhân dịp quốc khánh.
Trong cuộc triển lãm kỷ niệm ba năm sau chuyến thị sát của Chủ tịch Tập Cận Bình, Hoàn cầu thời báo (Global Times) đã có cái nhìn sâu sắc về cách phát triển dòng xe limousine nội địa đầu tiên của Trung Quốc cũng như con đường tiến ra thế giới của dòng xe này.
Trong lĩnh vực động cơ sử dụng nhiên liệu truyền thống, hiệu suất nhiệt của động cơ do FAW thiết kế đã đạt hơn 39%. Về năng lượng mới, FAW đã có được 9 công nghệ chủ chốt và đang nghiên cứu phát triển các công nghệ khác như động cơ sử dụng nhiên liệu hydro, thể hiện khát vọng và quyết tâm của FAW trong việc thúc đẩy năng lượng mới.
FAW đã đạt được 73 bước đột phá về công nghệ, bao gồm công nghệ điều khiển và tích hợp hệ thống điện hybrid, công nghệ pin chịu nhiệt độ thấp và nhiều công nghệ cốt lõi khác.
Phóng viên nhận thấy xu hướng càng lúc càng nhiều xe Hồng Kỳ xuất hiện trên đường phố Trường Xuân, cho thấy thương hiệu ô tô quốc gia của Trung Quốc đang tăng nhanh và dần có sức ảnh hưởng lớn hơn tại thị trường nội địa.
Từ năm 1984, FAW bắt đầu mở rộng sang thị trường quốc tế. Nhìn lại chặng đường 39 năm “đi ra biển lớn” của FAW, phóng viên nhận thấy Sáng kiến Vành đai – Con đường đóng một vai trò quan trọng.
Năm 2023 kỷ niệm 10 năm sáng kiến ra đời và chứng kiến FAW đã thực hiện được một số dự án hợp tác quốc tế tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ dọc theo Vành đai – Con đường, bao gồm Nam Phi, Tanzania, Kenya, Pakistan, Nigeria, Myanmar…
Hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của FAW đã bao phủ 85 quốc gia ở châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, với hơn 120 đại lý ở nước ngoài và hơn 400.000 xe được xuất khẩu. Năm 2023, Trung Quốc lần đầu tiên đứng đầu toàn cầu về xuất khẩu ô tô, Tân Hoa Xã (Xinhua) đưa tin.
Đón đầu làn sóng phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới, FAW đã đẩy nhanh tốc độ vươn ra thế giới, xuất khẩu 5.003 xe trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 172% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành tựu của FAW trong 3 năm qua là hình ảnh thu nhỏ của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, có bước phát triển vượt bậc và được kỳ vọng sẽ đạt đến tầm cao mới về khoa học công nghệ, Tân Hoa Xã đánh giá. Từ nhập khẩu đến xuất khẩu ô tô, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất và tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới.
Chiếc Hồng Kỳ ông Tập dùng ở Nga
Trong đoàn xe limousine màu đen chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phái đoàn đi trên đường phố Mátxcơva tháng 3/2023 có một mẫu xe cực hiếm là Hồng Kỳ N701 – loại xe sang do FAW sản xuất dành cho quan chức cấp cao.
Dù chiếc xe ra mắt lần đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 7/2022 trong chuyến thăm Hong Kong của ông Tập, nhưng rất ít thông tin về xe được công bố. Chiếc Hồng Kỳ N701 dài hơn 5m, có mui xe kiểu truyền thống và cốp xe ngắn, trên mui xe trang trí hình dải cờ màu đỏ. N701 được trang bị động cơ V8 hoặc V12 (sản xuất trong nước) và có lớp bọc thép bảo vệ.
Thương hiệu Hồng Kỳ rất phổ biến ở một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Âu, dự kiến sẽ đến Nga trong những năm tới sau khi các nhà sản xuất ô tô châu Âu rời khỏi thị trường Nga, Sputnik đưa tin.
Đặt hàng của hai lãnh đạo Trung Quốc
Nằm cách Bắc Kinh 80 km về phía bắc, Bảo tàng Xe cổ Bắc Kinh có hơn 200 chiếc xe limousine cũ bao gồm các thương hiệu Trung Quốc và nước ngoài như Hồng Kỳ, Ford, Dodge, Desoto, Mercedes-Benz, Volga.
Trong số đó có 36 chiếc sedan Hồng Kỳ và chúng là những chiếc xe được ông Luo Wenyou, chủ bảo tàng, yêu thích nhất.
Ông Luo nói: “Một số xe từng được Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và đại nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn sử dụng… Hồng Kỳ là một biểu tượng của Trung Quốc”.
Năm 1956, Đảng Cộng sản Trung Quốc họp Bộ Chính trị; Chủ tịch Mao Trạch Đông bày tỏ mong muốn được lái một chiếc ô tô nội địa tới cuộc họp.
Thời điểm đó, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc rất non trẻ, sau khi nhà máy FAW đầu tiên được khởi công xây dựng vào năm 1953 tại Trường Xuân.
Ông Luo kể: “Hãy đáp ứng kỳ vọng của Chủ tịch Mao, hãy sản xuất một chiếc xe đáng mơ ước dành riêng cho ông ấy” đã trở thành một khẩu hiệu phổ biến thời kỳ đó”.
Năm 1958, chiếc sedan Hồng Kỳ đầu tiên được FAW sản xuất theo mong muốn của Chủ tịch Mao.
Từ khi ra mắt dưới dạng sedan diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1959 trong lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 10 của Trung Quốc, vai trò của Hồng Kỳ chưa bao giờ thay đổi.
Người dân Trung Quốc coi thương hiệu này là niềm tự hào quốc gia vì mối liên hệ với các nhà lãnh đạo của nước này.
Theo lời kể của ông Luo, Hồng Kỳ là mẫu xe thay thế ZIS của Liên Xô kể từ năm 1964. Ông nói: “Trong những năm 60 và 70, được ngồi xe Hồng Kỳ cùng với việc đến thăm Chủ tịch Mao và lưu trú tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài là một trong những đặc quyền cao nhất dành cho quan chức nước ngoài tới Trung Quốc”.
Năm 1961, Tổng thống Indonesia Sukarno đến thăm Trung Quốc. Trong lễ đón chào mừng dọc Quảng trường Thiên An Môn, ông đứng trên chiếc xe Hồng Kỳ CA72 Cabriolet để chào mọi người. Nhưng do phải đứng lâu nên ông cảm thấy mệt mỏi và bước lên chiếc ghế ngồi phía sau.
Ông Luo kể: “Thủ tướng Chu Ân Lai đã nhận thấy điều đó” và rồi chỉ đạo sản xuất loại xe phục vụ duyệt binh, diễu hành mà trong đó nhà lãnh đạo, quan khách có thể đứng hoặc ngồi mà trông vẫn như đang đứng.
Một năm sau, FAW phát triển một dòng ô tô đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chu Ân Lai. Khách trong xe có thể nhấn nút và ngồi lên ghế nhưng từ ngoài nhìn vào trông họ như thể vẫn đang đứng.
Ông Luo còn sưu tầm được một chiếc ô tô đặc biệt được phát triển sau khi ông Chu bị ung thư bàng quang. “Phía sau xe có một chiếc cáng. Thủ tướng Chu có thể nằm trên cáng”, ông nói.
Khả năng chống đạn, rốc-két, vũ khí hóa học
Theo chuyên gia xe hơi, phương tiện dành cho yếu nhân hiện nay thường có mâm xe 21 inch đi kèm lốp đều có khả năng chống đạn bên cạnh thân/kính. Xe cũng có khả năng chống bom nổ dưới gầm/trên trần cùng hệ thống cách ly, lọc không khí chống tấn công hóa học.
Xe Hồng Kỳ N701 phiên bản đặc biệt được trang bị tấm giáp chống rốc-két, cửa sổ chống đạn và hệ thống nén khí chống tấn công hóa học, nặng ít nhất 3,1 tấn, theo Daily Mail. Trong khi đó, xe Cadillac 10 tấn trị giá 1,5 triệu USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden có tầm nhìn ban đêm, súng bắn đạn cay và lớp giáp 8 inch (20,3 cm).
Những chiếc xe vô giá
Ông Luo sinh ra ở vùng nông thôn tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc, rồi điều hành một công ty vận tải, một địa điểm đua xe kart và một cửa hàng sửa chữa ô tô từ năm 24 tuổi.
Ông bắt đầu bước vào lĩnh vực sưu tập xe cổ thế giới từ năm 1978, khi xe tư nhân vẫn còn hiếm trên đường phố Trung Quốc và đã rót hàng chục triệu nhân dân tệ vào đam mê của mình. “Tôi không thể đếm chính xác mình đã đầu tư bao nhiêu tiền. Những chiếc ô tô đối với tôi là vô giá”, ông nói.
Cuộc đời của ông Luo gắn bó mật thiết với Hồng Kỳ kể từ năm 1998, khi Louis Vuitton Classic, một trong những cuộc diễu hành xe cổ miễn phí lớn nhất thế giới, đổ bộ vào Trung Quốc.
Ông Luo đã lái chiếc Hồng Kỳ CA770 trong cuộc diễu hành từ thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Đông tới Bắc Kinh với tư cách là tay chơi duy nhất người Trung Quốc.
Lúc đó ông có gần 60 chiếc xe cổ để lựa chọn cho hành trình, trong đó có nhiều xe limousine hiệu suất cao đẳng cấp thế giới. “Nhưng tôi chọn Hồng Kỳ vì người Trung Quốc nên lái xe Trung Quốc của chính mình trong cuộc đua”, ông nói.
Là chiếc xe Hồng Kỳ đầu tiên của ông Luo, chiếc CA770 động cơ V8 ít được biết đến hơn. “Chủ nhân trước đây của nó là một trong 10 đại nguyên soái của quân đội Trung Quốc”, ông nói.
Năm 2005, ông đến Bắc Kinh để xây dựng một bảo tàng xe hơi cổ điển. Sau khi được đầu tư 8 triệu nhân dân tệ (26,5 tỷ đồng), bảo tàng tư nhân của ông (tòa nhà hai tầng rộng 3.000 mét vuông) cuối cùng đã mở cửa vào năm 2009.
Chiếc xe Hồng Kỳ rất được yêu thích của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông được trưng bày tại Bảo tàng Ô tô Thượng Hải. Ảnh: Getty Images.
Mục đích ban đầu của ông Luo là cho mọi người thấy lịch sử xe cổ Trung Quốc cũng như của nước này. Điều bất ngờ là chỉ có một số học sinh, sinh viên và du khách đến thăm bảo tàng.
“Nguồn thu nhập của tôi đến từ tiền vé (50 nhân dân tệ) và tiền thuê xe đi triển lãm và sản xuất phim, không đủ để trang trải chi phí bảo trì và sửa chữa”, ông nói.
Nhiều người đã đề nghị mua chiếc xe Hồng Kỳ dài 10,08 mét của ông nhưng ông đều từ chối bán. Được trang bị tủ lạnh, điều hòa, TV, điện thoại, sofa bọc da, chiếc xe siêu dài động cơ V8 được đặt nổi bật trong bảo tàng và có sức chứa 10 hành khách.
Ông nói: “Làm thế nào đất nước chúng ta có thể sản xuất được một chiếc limousine tuyệt vời như vậy vào những năm 1970? Công nghệ và thiết kế của nó tuyệt vời đến mức ngay cả bây giờ nhiều quốc gia cũng không thể sản xuất được chiếc xe này”.
Theo viện nghiên cứu FAW, chiếc Hồng Kỳ kéo dài của ông Luo được Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt hàng vào đầu những năm 1970. Nhưng khi chiếc xe được hoàn thiện vào năm 1976 thì Chủ tịch Mao qua đời.
Hồng Kỳ từng là một siêu sao ở Trung Quốc trước những năm 1980, trước khi làn sóng ô tô nước ngoài tràn vào nước này. Thậm chí FAW từng bị ra lệnh ngừng sản xuất vào năm 1981 vì mức tiêu thụ nhiên liệu cao và chi phí cao so với xe nước ngoài.
“Có thể nói năm 1981 là bước ngoặt đối với ô tô sản xuất trong nước của Trung Quốc. Đối với tôi, Hồng Kỳ có nghĩa là những chiếc xe làm thủ công được sản xuất trước năm 1981. Mỗi bộ phận, từ những chiếc ốc vít nhỏ đến động cơ, đều do chính người Trung Quốc cải tiến và sản xuất”, ông Luo nói.
Theo ông, ô tô Trung Quốc hiện nay, bao gồm dòng xe Hồng Kỳ, có công nghệ và chất lượng cao hơn nhưng lại thiếu dấu ấn lịch sử. Chính sách cải cách, mở cửa của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Hồng Kỳ hồi sinh. Nhưng ông cho rằng khó có thể lấy lại ánh hào quang trong quá khứ nếu thương hiệu không tự đổi mới.
Theo: Zestech
0 Nhận xét